Chỗ của Ngoại

Bài: Đoàn Khoa; Ảnh: Ngô Đình Trúc
Cục Gạch Quán được đăng trên tạp chí Nội Thất số 98 - 15/11/2009

chongoai0Giá như đêm ấy có trăng chắc chắn tiệc khai trương này sẽ vô cùng hoàn hảo – Tôi nghĩ bụng.

Tôi thư thái ngắm sao trên sân thượng bé xíu nằm giữa gian bày bán những sản phẩm mỹ nghệ và dãy phòng làm việc của nhân viên.

Ngoài băng ghế hẹp mà tôi đang ngồi, chỉ có vài cái khạp nhỏ được gia cố thêm thành mấy cái đôn nhỏ bé đặt quanh cái bàn mặt là một khối gỗ lớn dị dạng đầy ấn tượng.

Góc vườn treo này có duyên nhờ cây bưởi ốm tong trồng trong ống cống xi măng nhưng đủ sức “đơm” một trái bé bé.

Tôi thích bức tượng Phật nhỏ bằng gỗ, cũ mèm được đặt chổ cao nhất của vách tường sơn đỏ, một vị trí vừa gần, vừa rất xa.

…“Tiệc khai trương” văn phòng thiết kế, đồng thời là nhà hàng nhỏ có tên quái chiêu - “Cục Gạch” - số 10 đường Đặng Tất bắt đầu đúng 10 giờ tối ngày 10 tháng mười.

Dù đã quá biết “xì-tin” của Trần Bình - anh chàng kiến trúc độc đáo với nhiều công trình ấn tượng - vậy mà tôi vẫn ngỡ ngàng ngay phút đầu bước vào “ngôi nhà mới” của hắn.

Không thể hình dung nỗi ngôi biệt thự này trước đó như thế nào, chỉ thấy rằng bây giờ, dấu ấn của quái kiệt này hết sức đậm nét từ cánh cửa ra vào cho tới tận những chi tiết bên trong.

Ngay từ mấy vòng tròn xoắn ốc bằng dây kẻm gai được sơn nhũ bạc đặt vừa khít vào những ô khoét rỗng của cánh cửa cánh cửa gỗ dầy đủ báo trước cho mọi người một thế giới đầy bí ẩn bên trong.

Dù luôn miệng phân bua về sự luộm thuộm trong ngày đầu tiên, Bình “thuyết minh” thêm những “ý tưởng” của anh, cái làm được, cái chưa làm và …sẽ…, nhưng tôi tin rằng mọi người đều hài lòng với cách chia không gian hợp lý cùng những đồ trang trí nội thất hết sức thô ráp nhưng đầy ý nghĩa của anh.

Giếng trời chia ngôi biệt thự này thành hai phần: đằng trước cho khách và phía sau cho “người nhà”.

Ở đây, Bình tạo dựng một hồ nước nhỏ có vài miếng ván thô bắt dọc làm đường thông, không chỉ nhằm dịu “con mắt bên trái”, mát “con mắt bên phải” mà còn cho người ta hít thở.

Nhưng phải đợi thêm vài cơn mưa, khi dàn dây leo dầy rậm hơn thì chỗ này mới tuyệt !

Trở lại nơi này vào buổi trưa hôm sau.

“Tiệm” gần gủi như một ngôi nhà của chính mình hơn đêm hôm qua.

Chị bạn đi theo cùng luôn miệng xuýt xoa khen không hết lời về từng chi tiết trong nhà hàng này… Tôi không ngạc nhiên vì đó là cảm giác mà tôi đã từng trong đêm hôm trước.

Chúng tôi gọi đồ ăn. Thực đơn chưa hoàn chỉnh nên in tạm trên vài tờ giấy cũ, nhưng chúng khá thú vị vì cách đặt tên “ngồ ngộ” cho từng món.

Bộ chén dĩa ấm tách toàn bằng sành sứ quê mùa! Cái vẽ thô tháp, hiền hòa của chúng có hồn một cách mảnh liệt vì đã gợi ngay tức khắc trong bọn tôi biết bao kỷ niệm một thời đã qua.

Giọng hát nỉ non từ dàn máy hát Akai hồi đó với cuộn băng cối từ từ quay kéo tôi về khoảng thời thơ ấu của mình. Giọng hát như một sợi tơ, một hơi thở nhẹ len lõi đi qua từng con hẻm hóc rồi chui vào lỗ tai từng người lam lũ sống trong xóm lao động nghèo. Giọng hát như một hiện hữu trong phần đời của họ, của tôi. Giọng hát mà ngày xưa tôi không hề thích, nhưng sao bây giờ nghe ngọt ngào lạ… những giọng hát không lẫn vào đâu, độc nhất vô nhị, đương tuổi xuân thì…

Bửa ăn trưa ngon - đậm hoà  quyện giữa ký ức và thực tại bị đánh thức bởi ly cà phê sữa đá mà ống hút là một cọng rau muống tươi xanh.

Thêm một sáng kiến của ông chủ nhiều chiêu này !

Đắm mình trong kỷ niệm với cái bụng no căng, hết sức chậm rải, tôi ngắm bức họa trên vách vẽ một sạp tạp hoá bình dân với cơ man bịch bánh, gói dầu gội đầu, và vô số ve keo, tạp phẩm…

Mắt tôi tiếp tục đánh vòng và dừng lại trên một gian thật chưng bày y hệt bức tranh… Cái gì đây - kỳ này?

Bình kể với tôi rằng đó là sạp bán hàng của bà ngoại anh. Mỗi năm về quê, anh đều chụp mặt tiền tiệm Ngoại với cùng một góc nhìn, để qua đó, anh so sánh chúng và buồn da diết khi thấy tiệm ngày một rệu dần. Nó già đi theo Ngoại !

Bình mong ngày nào đó, anh sẽ làm một cuộc triển lãm tái hiện tất cả những “tiệm của Ngoại” để thấy thời gian trôi…

…Chị bạn đi cùng nói nhỏ vào tai tôi:

“Đây là người tốt vì biết yêu thương những bậc sinh thành…Và chỉ có người tốt mới làm được chuyện quang minh!”

Tôi đồng ý !

Nếu có ai đó trên đời hô hào mọi người hãy yêu thương chúng sinh, yêu thương nhân loại mà không hiếu đễ với chính ông bà cha mẹ mình thì người đó còn tệ hơn con số không to tướng !

Dù dọn nhà qua lại, gia đình tôi luôn giữ một cái cân bàn tầm thường với hai dĩa cân móp méo bằng đồng mà hồi còn sống bà ngoại tôi đã dùng nó khi bán tôm khô trong chợ Vười Chuối.

Ở bên nội, nhưng sau khi tan trường tiểu học, tôi đều chạy qua sạp tôm khô của ngoại giả bộ bốc tôm ăn. Ngoại biết ý, bao giờ bà cũng chần chừ, nói đủ thứ chuyện rồi cuối cùng chậm rãi móc từ túi áo bà ba mấy đồng bạc cắc dúi vài tay cháu. Bà cố gắng kéo dài nhất thời gian cháu ở với bà.

Con nít mê tiền ngoại cho hơn là thương ngoại, ngoại biết nhưng bà vui vì nó tới !

…Tôi nhìn lại cái cân sần sùi, cũ mèm và mấy quả cân mờ hết cả số. Tôi chợt thấy nó đẹp !

hinh cuc gach quan hinh cuc gach quan
hinh cuc gach quan hinh cuc gach quan
hinh cuc gach quan hinh cuc gach quan